Vai trò với Luy Lâu Sông Dâu

Sông Dâu chảy nối liền sông Đuống, tiến sâu vào xã Thanh Khương uốn khúc, lượn lờ tạo nên một vùng tụ thủy. Đây chính là nơi âm dương giao hòa, đất trời gặp gỡ tạo nên một vùng đất thiêng. Bao quanh chùa là 12 làng, các nhà địa lý phong thủy nổi danh cho đây là thế đất lớn. Chính vì lẽ đó mà Sỹ Nhiếp đã xây kinh đô Luy Lâu và chính nơi đất lành này mọc lên một ngôi chùa về sau trở thành trung tâm Phật giáo của người Giao Chỉ[7].

Đô thị Luy Lâu nằm giữa khu vực giao nhau giữa Sông Dâu và Sông Đuống, giữa trung tâm đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, trong đó Sông Dâu giữ vai trò trục không gian kiến trúc chính. Các công trình của đô thị chủ yếu dựng đặt, xây cất bên bờ Sông Dâu (thành lũy bên một bờ sông). Các công trình kiến trúc, tôn giáo (đền đài, chùa tháp…) được xây cất trong thành, ngoài phố xá, làng mạc dọc bờ Đông Sông Dâu là chủ yếu, trong đó Chùa Dâu (Đền Bà Dâu) giữ vai trò trung tâm tôn giáo của đô thị Luy Lâu, được xây dựng quy mô bề thế[2].

Sông Dâu giữ vai trò thông thương đường thuỷ đặc biệt quan trọng nối trung tâm Luy Lâu với các vùng miền xung quanh, với các nước trong khu vực. Dòng chảy này là đường thuỷ nối Luy Lâu với Phật Tích và có vai trò quan trọng trong việc hình thành hai trung tâm Phật giáo Phật Tích và Luy Lâu. Như vậy, vào đầu Công nguyên, vùng Dâu tức Luy Lâu, một vị trí trung tâm Đồng bằng châu thổ sông Hồng, với nhiều lợi thế, đã trở thành trị sở của quận Giao Chỉ (sau là trị sở của quận Giao Châu), đồng thời là một đô thị sầm uất, là một trung tâm thương mại lớn của quận Giao Chỉ.[8]

Theo các nguồn sử liệu, các nước phương Tây và phương Nam muốn buôn bán, giao thiệp với Trung Quốc đều phải theo con đường Giao Chỉ. Từ trước Công Nguyên và nhất là từ thế kỷ II-III trở đi, ngày càng có nhiều thương nhân nước ngoài đến buôn bán ở Giao Châu và thuyền buôn của họ thường xuyên có mặt ở Luy Lâu. Những chứng tích vật chất và các nguồn tài liệu ở Luy Lâu đã khẳng định Luy Lâu thực sự là trung tâm thương mại lớn - một đô thị cảng mang tính quốc tế của nước ta thời Bắc thuộc[2].

Phật giáo ở Luy Lâu

Phật Tích với vị trí và cảnh quan một vùng sơn lâm, ở trung tâm châu thổ Bắc Bộ, với núi non, đồi rừng thâm u, tĩnh mịch, có am đá, cây xanh bao phủ. Đó là vị trí cảnh quan thích hợp cho các giáo sĩ đến lập am, luyện đạo, tu thiền. Vì vậy, vào đầu Công nguyên, các giáo sĩ Ấn Độ, mà người tiêu biểu là sư Khâu Đà La đã tới quận Giao Chỉ, qua trung tâm Luy lâu, rồi về Phật Tích lập am, luyện đạo tu Thiền đúng như tài liệu Cổ Châu Phật bản hạnh đã chép. Các giáo sĩ đã theo các thuyền buôn qua đường biển vào trung tâm Luy Lâu, rồi ngược dòng sông Dâu tới Phật Tích và dừng ở đó để lập am, dựng chùa, và tu luyện, sau mới trở lại truyền bá đạo Phật cho dân chúng tại Luy Lâu, lập nên sơn môn Dâu, một trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất ở Việt Nam[8].

Ở Luy Lâu có tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, mây mưa sấm chớp. Phật giáo Ấn Độ vào Việt Nam tìm cách hoà hợp với tín ngưỡng này, nên mới sinh ra truyền thuyết về Man Nương, là nguồn gốc để có hệ thống tín ngưỡng Tứ pháp cho đến tận bây giờ. Các nhà sư Trung Quốc muốn sang Ấn Độ nghiên cứu về Phật giáo Ấn Độ đều phải qua Giao Chỉ để học chữ Phạn; ngược lại, các nhà sư Ấn Độ muốn sang Trung Quốc cũng phải qua Giao Chỉ để học chữ Hán… Đó là những dấu ấn quan trọng cho thấy, Luy Lâu được hình thành và mang đậm những nét đặc trưng của Phật giáo Ấn Độ, tạo nên kết quả là Phật giáo Việt Nam sinh ra bởi sự hoà hợp của Phật giáo Ấn Độ với tín ngưỡng bản địa, không phải từ nguồn Phật giáo Trung Hoa thời Bắc thuộc.[6]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sông Dâu http://www.dongky.bacninh.com/xem-tin-tuc/68721/ve... http://baochinhphu.vn/Ha-Noi/Luy-Lau-trung-tam-chi... http://chuaxaloi.vn/thong-tin/phat-tich-trung-tam-... http://nguoikinhbac.vn/detail/Bao-ton-va-phat-huy-... http://www.sugia.vn/portfolio/detail/51/luy-lau-th... http://vusta.vn/chitiet/tin-tuyen-sinh-dao-tao/Nhu... https://books.google.com.au/books?id=6kjwCAAAQBAJ https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/hai-l... https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=5...